Nếu không tạo ra năng lực cạnh tranh riêng thì rất khó tồn tại trong ngành môi giới vốn có hàng rào gia nhập ngày càng thấp dần. Xu hướng “tái định hình” ngành đang diễn ra với nhiều hướng đi khác nhau của các nhà môi giới chuyên nghiệp, mà câu chuyện của Dat Xanh Services (DXS) mới đây là ví dụ điển hình.
“Sức mạnh” từ thị trường sơ cấp
Trong những năm gần đây, những ông lớn trong lĩnh vực môi giới bất động sản lần lượt niêm yết trên thị trường chứng khoán để tìm kiếm cơ hội phát triển mới, chẳng hạn như CENLand hay Hải Phát Invest, hay mới đây là DXS tiến hành IPO. Với vị thế dẫn đầu thị phần môi giới trên cả nước, DXS có sức hấp dẫn riêng với nhiều điểm khác biệt.
Điều dễ thấy đầu tiên là DXS có mối quan hệ vững chắc với hầu hết các chủ đầu tư trên thị trường khi có năng lực tham gia vào khâu phát triển dự án ngay từ đầu, giúp gia tăng giá trị của dự án và mang lại dòng tiền có tỷ suất sinh lợi cao cho công ty. Công ty môi giới hoạt động từ năm 2003 này đã phân phối hơn 130.000 sản phẩm từ 500 dự án của 200 chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, nhờ tập đoàn mẹ là chủ đầu tư của nhiều dự án, DXS có nguồn sản phẩm “back-up” từ công ty mẹ. Đây cũng là câu chuyện khiến nhiều nhà môi giới chuyên nghiệp trong thời gian qua muốn chuyển mình trở thành các nhà phát triển bất động sản, thay vì chỉ tập trung vào câu chuyện phân phối vốn ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn và tỷ suất lợi nhuận không còn đủ hấp dẫn. Trong khi đó, công ty môi giới của các nhà phát triển bất động sản quy mô lớn thì đa phần vẫn chủ yếu phục vụ cho hệ sinh thái nội bộ, chứ không đẩy mạnh mở rộng toàn thị trường.
Ngược lại, DXS chủ động mở rộng mối quan hệ với các chủ đầu tư ở khắp địa phương trên cả nước, nơi dư địa tăng trưởng lĩnh vực bất động sản vẫn còn rất lớn, trong khi đó, một số nhà môi giới chỉ tập trung thị phần ở khu vực đô thị lớn nhất định như TPHCM hay Hà Nội. Tính đến nay, DXS sở hữu hệ thống phân phối trải rộng khắp cả nước với thị phần tổng thể lên đến 29% (gần gấp đôi so với đối thủ tiếp theo), theo thống kê của Savills.
Nền tảng vững mạnh ở thị trường sơ cấp được xem là bước đệm quan trọng để DXS chuyển đổi thành mô hình “full-services” trong tương lai. Từ năm 2019 đến nay, DXS đã và đang tiếp tục phát triển mảng môi giới thứ cấp (tức môi giới bán lại), dịch vụ tài chính, quản lý bất động sản.
“Chúng tôi muốn phát triển DXS đi theo hệ sinh thái dịch vụ mà ở đó, khách hàng giao dịch bất động sản bất kỳ do DXS phân phối, dù là mua bán với chủ đầu tư hay mua đi bán lại, sẽ được phục vụ bởi đơn vị quản lý của DXS, sẽ sử dụng nhiều dịch vụ tiếp theo có liên quan như vay ngân hàng, mua bảo hiểm mà chúng tôi kết nối”, lãnh đạo DXS chia sẻ tại buổi lễ IPO của công ty mới đây.
Lợi thế của việc phát triển mô hình theo hệ sinh thái không chỉ mang lại lợi ích về bán chéo sản phẩm, mà còn mang đến dòng tiền mặt chạy đều đặn với tỷ suất sinh lời cao. Đây cũng là mô hình phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, mà ở đó nguồn thu của công ty dịch vụ môi giới đến từ nhiều dịch vụ khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là giao dịch mua bán nhà.
Đầu tư công nghệ đón hệ sinh thái
Không ít các nhà môi giới công bố những khoản đầu tư lớn vào công nghệ và DXS cũng không ngoại lệ. Trong bảng công bố mục tiêu sử dụng vốn sau đợt IPO, DXS tập trung nhiều vào câu chuyện công nghệ.
Trong năm ngoái, công ty dịch vụ tài chính bất động sản và nền tảng công nghệ môi giới bất động sản được DXS giới thiệu. Nền tảng công nghệ O2O (Real Agents) không chỉ giúp niêm yết bất động sản (mô hình listing) mà còn cung cấp nhiều tính năng khác có liên quan như kiểm tra pháp lý, định giá, quản lý cho thuê… Trong năm nay, DXS đặt kỳ vọng các bước giao dịch sẽ được tự động hóa và thực hiện trên nền tảng trực tuyến.
Công nghệ sẽ là yếu tố quyết định mức độ chuyên nghiệp trong lĩnh vực môi giới, là triển vọng tương lai của ngành vì giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí. Tuy nhiên, phát triển công nghệ chỉ là một phần của câu chuyện, điều quan trọng hơn là cơ sở dữ liệu của thị trường.
Nếu như các công ty khởi nghiệp (startup) thường “đốt tiền” để lấy dữ liệu khách hàng, DXS lại đang sở hữu cơ sở dữ liệu gồm 7,5 triệu khách hàng. Để hình dung con số này tiềm năng như thế nào, hãy nhìn cơ sở khách hàng của nhiều ngân hàng có quy mô tầm trung hiện chỉ mới có khoảng 3-5 triệu khách hàng. Khả năng cập nhật của dữ liệu cũng là điểm lợi thế của DXS vì các giao dịch bất động sản và các dịch vụ đi kèm theo luôn được thực hiện liên tục, giúp mở rộng dữ liệu và tăng độ chính xác.
Cơ sở dữ liệu cũng là tiền đề quan trọng để phát triển các dịch vụ tiếp theo của hệ sinh thái trong mô hình tăng trưởng hệ sinh thái của DXS. “Tất cả dịch vụ này sẽ được tích hợp trong một nền tảng, giúp DXS trở thành đơn vị môi giới toàn diện và tối ưu hóa các mảng dịch vụ có biên lợi nhuận cao”, lãnh đạo DXS đặt kỳ vọng.
Nguồn: https://cafef.vn/thuong-vu-ipo-bom-tan-dxs-suc-manh-den-tu-dau-20210409185542471.chn