Quý I/2022 là khởi đầu cho một giai đoạn mới của thị trường bất động sản (BĐS) cùng nhiều cơ hội và thách thức. Các chuyên gia nhận định, cơ hội của thị trường, trong thời gian tới đến từ “cú hích” gói phục hồi kinh tế, đầu tư công, bên cạnh những áp lực như nguồn cung khan hiếm, giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh,…
Hình: Sự kiện Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý I/2022 do Viện nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services tổ chức.
Đây là những nhận định của các chuyên gia trong sự kiện Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS do Viện nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services tổ chức. Được tổ chức lần đầu tiên, báo cáo của Viện Nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services nhanh chóng nhận được sự quan tâm chú ý của gần 12.000 người theo dõi qua hình thức trực tuyến.
Hoạt động theo cơ chế gồm Ban Chuyên Môn và Ban Cố vấn, kết hợp với đội ngũ cố vấn am tường và dày dạn kinh nghiệm thực tiễn bao gồm Chủ tịch, Tổng Giám đốc, các lãnh đạo thuộc 60 Công ty thành viên Dat Xanh Services trên toàn quốc, báo cáo được cộng đồng đón nhận thông qua tính thực tiễn, chuyên sâu mà Viện công bố.
Tín hiệu khả quan từ tình hình kinh tế – xã hội
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I được ghi nhận khá thấp (1,92%), tuy nhiên Việt Nam vẫn đang đứng trước áp lực lạm phát. Quý I/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức cao nhất trong 6 năm qua, là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Tín hiệu khả quan của thị trường BĐS Quý I/2022 từ nguồn cầu mạnh mẽ, tỷ lệ hấp thụ của người mua trong nước vẫn ở mức tốt khi ghi nhận tỷ lệ bán lũy kế đạt 80% tại Hà Nội và 88% tại Tp.HCM.
Với các chính sách thu hút khách du lịch, chỉ trong vòng 1 tháng mở lại đường bay quốc tế (từ tháng 2/2022), lượng khách du lịch quốc tế tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái, là tiền đề tăng trưởng cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, cho thuê và nhà ở. Xu hướng đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cả về số lượng lẫn giá trị tài sản, lượng xe hơi cá nhân đang tăng nhanh cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu về một số phân khúc căn hộ cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng và đất nền.
Bệ đỡ cho thị trường bất động sản
Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, trong đó, gần 114.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng sẽ có tác động trực tiếp tới thị trường BĐS, là động lực tăng trưởng chính của thị trường trong các năm tới.
Chuyên gia BĐS Đinh Nhất Quý – P.TGĐ Dat Xanh E&C nhận định, diễn biến thị trường trong năm 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và bơm các gói kích thích kinh tế quy mô lớn có thể giúp thị trường BĐS hưởng lợi kép. Dòng tiền giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, giúp tài sản gia tăng giá trị. Các gói kích thích kinh tế hồi phục góp phần tăng tiêu dùng, cải thiện sức mua, thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà đất để ở lẫn đầu tư.
Cũng theo vị chuyên gia này, khu vực miền Bắc tiếp tục là địa phương được hưởng lợi từ các dự án trọng điểm, với nhiều địa phương có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021 – 2025 như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh.
Nhận định về những phân khúc nổi bật tại thị trường miền Bắc năm 2022. Các tiêu chí quan trọng mà các NĐT miền Bắc quan tâm là vị trí đẹp, pháp lý sạch, chủ đầu tư uy tín, thiết kế đẹp; sau đó là yếu tố xanh, ứng dụng công nghệ và đem lại chuẩn sống như nghỉ dưỡng bởi tính thanh khoản cao, tiềm năng lớn.
Chung nhận định, chuyên gia BĐS Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, các sản phẩm có vị trí thuận lợi liên kết các cao tốc hoặc tuyến đường trung tâm sẽ thu hút nhà đầu tư và người dân mua sử dụng trong năm nay.
Thách thức là không nhỏ
Dù có rất nhiều động lực nhưng theo các chuyên gia, trong năm 2022, thị trường BĐS vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức. Theo đó, các rủi ro bên ngoài bao gồm rủi ro địa chính trị (chiến sự Nga – Ukraine); giá cả năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh đẩy giá bất động sản tăng theo.
Đến giai đoạn kích thích phục hồi kinh tế, với lượng tiền khủng bơm ra thị trường, các lo ngại trượt giá, chi phí đầu vào tăng cao, càng khiến giá bất động sản chịu tâm lý leo thang. Bên cạnh đó, siết chặt tín dụng BĐS có thể gây tâm lý rụt rè cho nhà đầu tư khi đổ tiền vào BĐS. Bên cạnh đó, sự phát triển nóng và “sốt” giá tại nhiều địa phương qua các cuộc đấu giá làm thị trường bất động sản gia tăng tâm lý lo lắng chu kì đóng băng bất động sản xảy ra. Sự thận trọng trong việc đầu tư tại các dự án là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro bong bóng bất động sản.
Tình trạng lạm phát, cụ thể là sự mất cân bằng cung cầu, chi phí đầu vào tăng thường đẩy giá bất động sản tăng cao. Tiến sĩ Phạm Anh Khôi – Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services nhận định, đây là thời điểm các nhà đầu tư dài hạn hưởng lợi với mức lợi tức cao, trong khi nhà đầu tư ngắn hạn đang trở nên thận trọng bởi thị trường còn tồn tại rất nhiều biến động.