Đón đầu cơ hội phát triển từ “siêu” sân bay, UBND TP.HCM vừa đề xuất bổ sung phương án tổ chức chạy tàu trực tiếp từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến cảng hàng không quốc tế Long Thành…
UBND TP.HCM vừa có văn bản góp ý về dự thảo dự thảo đang được xây dựng về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 của Cục Đường sắt Việt Nam.
Trong văn bản góp ý, UBND Thành phố đề nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung phương án tổ chức chạy tàu trực tiếp, từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thông qua tuyến đường sắt đô thị số 4b kéo dài.
Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ đi theo lộ giới là đường Phạm Văn Đồng, đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng, tuyến vành đai 2 trên địa bàn TP.Thủ Đức và kết nối ray trực tiếp với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành tại nút giao vành đai 2 với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Liên quan đến các giải pháp tăng kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trước đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, điều chỉnh, kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 4b thuộc tuyến metro số 4 của TP.HCM. Về phương án này UBND Thành phố cho rằng việc kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 4b sẽ đi qua một số khu vực đông dân cư hiện hữu, như khu đô thị Thanh Đa, An Phú…, đi qua nút giao Rạch Chiếc, An Phú.
Phương án này sẽ tạo nên hành lang tuyến mới chưa có trong quy hoạch đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên địa bàn. Đồng thời, phương án phải bổ sung hai cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn. Do đó, cần đánh giá tính khả thi về việc đề xuất bổ sung đoạn tuyến đường sắt nêu trên.
Phương án 2, kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 2 để kết nối trực tiếp với nhà ga Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Theo UBND Thành phố, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt ngày 19/2/2021. Ngoài ra, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được phê duyệt và đang trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, cần nghiên cứu hiện trạng quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất để làm rõ tính khả thi của phương án đề xuất.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, với các cảng hàng không, sân bay có công suất từ 30 triệu khách/năm trở lên như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh…, ngoài đường bộ cần tính toán cả việc kết hợp với đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao. Việc tính toán kết nối này được bắt đầu ngay với Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được đầu tư xây dựng giai đoạn 1.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có đề xuất 2 tuyến đường sắt kết nối với sân bay Long Thành, là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành được thiết kế chạy vào đường trục trung tâm của sân bay Long Thành. Tuyến này có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm, khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM dài hơn 37 km, thiết kế đường đôi với 19 nhà ga, chuyển vận chuyển hành khách đi lại tới sân bay này.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16,03 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, đây là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Anh Tú
Nguồn: https://vneconomy.vn/de-xuat-duong-sat-ket-noi-sieu-san-bay-long-thanh.htm